NHỮNG TRANH CÃI CHƯA CÓ HỒI DỨT: Truyền thuyết, tín ngưỡng về ma cà rồng và sự t
NHỮNG TRANH CÃI CHƯA CÓ HỒI DỨT: Truyền thuyết, tín ngưỡng về ma cà rồng và sự thật
Đi tìm nguồn gốc về sự tồn tại của ma cà rồng…
Bá tước Dracula hẳn không còn là cái tên xa lạ đối với hầu hết các teen, bởi đơn giản, hắn là bá tước ma cà rồng – đại diện cho sự tàn ác, một sinh vật mà nhiều người cho là tồn tại trên thế giới, lẩn khuất đâu đây trong xã hội loài người. Tại sao lại thế nhỉ?
Có rất nhiều lý do khác nhau ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp tới niềm tin "Ma cà rồng có thật". Trong đó, yếu tố cơ bản đều xuất phát từ thực tiễn những sự việc con người không thể tự lý giải trong thời kỳ chưa phát triển.
Điểm đầu tiên khiến mọi người tin vào sự xuất hiện của loài sinh vật ma quái này chính là câu chuyện về “cọc lớn đâm sâu vào trái tim” – một cái tên khá kỳ lạ và cũng thật khó hiểu. Có thể giải thích như thế này, đây là một truyền thuyết bắt nguồn từ Thiên Chúa Giáo, cụ thể là xuất hiện trong Kinh Thánh. Theo đó, trong lịch sử, người ta từng có rất nhiều loại gỗ khác nhau gắn với các biểu tượng như niềm vui, nỗi buồn, bệnh tật, hi sinh…
Mối liên hệ xuất hiện khi ta nói về cái chết của mỗi con người. Thông thường, người chết đi sẽ có thời điểm các khí tích tụ trong người trước đó thoát ra ngoài, qua cổ họng, mũi. Khi các khí này thoát ra sẽ gây ra âm thanh tựa như những tiếng kêu rên kinh sợ. Về thực chất, đây hoàn toàn là một cơ sở khoa học, trông họ thật giống những quả bóng bay xì hơi dần dần. Nhưng với người xưa, họ cho rằng đó chính là tiếng kêu của ma cà rồng. Đây là lý do vì sao mà các loại gỗ chúng ta nhắc tới ở trên được người ta đẽo gọt thành những đầu nhọn hoắt, trên có khắc thánh giá và cắm sâu vào trái tim người chết để ngăn không cho người sau khi chết đi sẽ trở lại phá rối cuộc sống bình yên tựa như ma cà rồng.
Một đặc điểm nổi bật của ma cà rồng là cắn và hút máu người. Thời Trung cổ, người ta thấy xuất hiện một loại bệnh mà theo quan điểm hiện đại ngày nay có tên bệnh lý ma cà rồng. Đây là chứng rối loạn chuyển hoá porphyrine (porphyria). Chứng bệnh cực hiếm này sinh ra do sự mất cân bằng trong sản sinh heme – một sắc tố giàu chất sắt trong máu. Người mắc chứng bệnh này rất sợ ánh sáng Mặt trời, đau bụng nhiều và có thể bị mê sảng.
Thời xưa, người ta chữa trị bệnh này bằng cách cho bệnh nhân uống máu tươi để khắc phục tình trạng mất quân bình trong cơ thể (mặc dù không có bằng chứng rõ ràng nào về điều này). Một số bệnh nhân loại này thường có miệng và răng màu đỏ do hoạt động sinh sắc tố heme không ổn định, phân của họ cũng thường có màu tím. Bên cạnh đó, porphyria cũng có tính di truyền. Đó chính là loài ma cà rồng mà chúng ta tìm kiếm.
Thêm một bằng chứng nữa để tin tưởng về sự tồn tại của dòng tộc Dracula ấy là “dị ứng ánh sáng”. Đây là một bệnh lý có thật và chính nó gây ra những giai thoại về loài ma cà rồng chỉ sống vào đêm và cực kỳ sợ ánh sáng. Bước ra ngoài trời, chúng sẽ bị cháy da và chết ngay. Xưa kia trong Kinh Thánh, người ta quan niệm ánh sáng tượng trưng cho sự lương thiện, vậy dị ứng với ánh sáng nghĩa là bạn làm điều ác hàng ngày?
Liên quan mật thiết tới “thú vui” hút máu người của ma cà rồng chính là “những chiếc răng nanh” theo tín ngưỡng phương Tây. Xét theo khía cạnh khoa học ngày nay, máu chính là nguồn sống nuôi dưỡng răng của con người. Nếu không có lượng hemoglobin trong máu nuôi sống lợi, những chiếc răng coi như sẽ chết. Thế nên vào thời kỳ cổ xưa, những người vì rối loạn chuyển hóa máu trong cơ thể sẽ hình thành những chiếc răng nanh nhọn hoắt. Lý do là bởi họ kết hôn với những phụ nữ quý tộc châu Âu (trong truyền thuyết chính là dòng dõi Dracula), lập tức bị coi là kỳ dị khác thường và sẽ bị gắn mác ma cà rồng hút máu. Những đứa bé khi mới sinh ra và mọc răng nanh cũng bị người ta quy kết là ma cà rồng đó! Đến ngày hôm nay, tại một số quốc gia Mỹ La-tinh, quan niệm sai lầm này vẫn còn tồn tại trong xã hội.
Nếu có người thân có răng nanh trong nhà, người ta sẽ có cảm giác như sống trong ngôi nhà của ma cà rồng. Dù cho những người thân ấy là cha, mẹ, chú bác… và dù họ có hiền lành đến đâu nhưng vẫn bị xã hội xưa kỳ thị, khinh miệt tới lúc chết. Sau khi họ chết đi, không ai còn muốn thấy lại họ nữa. Đó là lý do vì sao nhà họ không bao giờ có gương, giống như trong những câu chuyện về tòa lâu đài Dracula toàn những chiếc gương vỡ. Thật rùng rợn phải không?
Mọi người tin rằng, tỏi có thể trừ được tà ma và cả ma cà rồng nữa. Điều này có nguồn gốc từ Kitô giáo. Theo truyền thuyết, ngoài người sói là sinh vật huyền bí duy nhất tiêu diệt được ma cà rồng thì chúng còn cực kỳ sợ tỏi và cây thánh giá. Sở dĩ như vậy là bởi tỏi có tác dụng làm tăng nhanh lưu lượng máu trong cơ thể, tan những cục máu đông và gây rối loạn nghiêm trọng hơn bệnh lý ma cà rồng, gây nguy hiểm tới tính mạng của chúng.
Cuối cùng không thể không kể đến hình dạng của ma cà rồng. Thoắt ẩn, thoắt hiện, nhanh như chớp và chỉ xuất hiện vào ban đêm. Điều đó được lấy từ hình ảnh nhưng con dơi hút máu sống vào ban đêm, bay rất nhanh trong bóng tối. Một mối liên hệ đặc biệt phải không? Theo thần thoại Rumani, con người khi sinh ra đều mang tất cả một màu đen bởi chúng ta là những viên đất sét do Chúa trời nặn ra. Sau này, khi tên trộm đầu tiên bị bắt thì điều này đã được sửa lại, những linh hồn tốt đã được tẩy trắng và thường xuyên có ma quỷ từ thế giới dưới lòng đất đến để thanh lọc những linh hồn tội lỗi theo ý Chúa. Một số con dơi hút máu ban đêm đã lợi dụng điều này để đi hút máu, ấy chính là ma cà rồng.
Rõ ràng, nếu có ai hỏi bạn có tin trên đời có ma cà rồng hay không, hẳn nhiên không mấy người nói là không. Không tin ư, tại sao bạn vẫn hay nhắc tới và xem những bộ phim về nó, chỉ đơn giản là bạn chưa từng diện kiến bá tước Dracula mà thôi. Những truyền thuyết, mẩu chuyện dân gian xung quanh sinh vật này sẽ còn đem lại nhiều tranh cãi về loài ma quỷ đầy sức hút này.