Ông thứ trưởng nói kỳ quá!

Ông thứ trưởng nói kỳ quá!

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật ngày 11-8 mạnh miệng: Không dời trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), cũng không giảm phí!

Tuyên bố của ông thứ trưởng chưa chắc dập tắt được ngọn lửa dư luận đã cháy cả tuần qua, ngược lại có thể gây phản ứng gay gắt thêm bởi hàng loạt ý kiến ông nêu ra không đủ độ thuyết phục.

Điều đầu tiên là vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy rất phi lý nhưng không thấy Thứ trưởng Nguyễn Nhật giải thích. Chủ đầu tư BOT bỏ tiền ra làm tuyến đường tránh thì cho đặt trạm trên tuyến đường tránh dài 12 km này, xe nào đi qua thì phải đóng phí, cớ gì đặt trạm ngay trên quốc lộ 1, trước điểm rẽ vào đường tránh để thu tiền toàn bộ xe qua lại Tiền Giang bằng mọi ngả đường? Trạm đặt trên quốc lộ và thu cả hai chiều thì tất cả ô tô từ 4 bánh trở lên từ 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi TP HCM và ngược lại đều chịu phí, tức là chi phí vận tải tăng lên, người tiêu dùng hàng hóa đầu cuối phải tốn thêm tiền, làm giảm sức cạnh tranh của đồng bằng sông Cửu Long vốn đã yếu sẵn. Lẽ nào các nhà làm chính sách vĩ mô ở trung ương và vùng Tây Nam Bộ không thấy điều này?

Và nếu nói như ông thứ trưởng bảo rằng phải hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và người dân thì xin hỏi: Chủ xe đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi, sao nhà nước không dùng tiền ấy để nâng cấp mà phải mời nhà đầu tư BOT bỏ vốn làm đường để rồi thu tiền của chủ xe thêm lần nữa? Mà sửa đường này, thu phí đường kia, ấy là cái sự lạ, chỉ có ở trạm Cai Lậy.

Về ý kiến so sánh trạm Cai Lậy rộng chỉ 2 làn xe và dài chỉ 12 km trong khi trạm trên đường cao tốc TP HCM – Trung Lương rộng tới 6 làn xe và dài toàn tuyến hơn 60 km nhưng mức phí là gần như nhau, quan chức đầu ngành GTVT cho rằng so sánh vậy là "khập khiễng" bởi chủ đầu tư BOT phải vay ngân hàng để có tiền làm đường và trả lãi suất còn tuyến TP HCM – Trung Lương thì làm từ vốn vay ưu đãi ODA. Quả thật, ông thứ trưởng lập luận như thế thì coi thường người nghe quá! Nhà đầu tư phải chứng minh được năng lực tài chính và các bộ – ngành hữu quan phải có trách nhiệm đánh giá nhà đầu tư, loại hẳn nhà đầu tư yếu ngay từ đầu, làm gì có chuyện yếu tiền thì vay ngân hàng rồi tăng thu, người dân – hay nói cụ thể hơn là chủ xe – phải gánh. Tiền dân đâu phải nước ngầm, ai muốn thì chọc ống xuống mà hút mỗi người một ít!

Ít nhất 50.000 lượt xe qua trạm Cai Lậy mỗi ngày đêm, nếu tính mức phí thấp nhất 35.000 đồng/lượt thì mỗi ngày đêm thu 1,75 tỉ đồng, thu đủ trong hạn cho phép 6 năm 4 tháng thì được khoảng 4.000 tỉ đồng, trong khi trước đó chủ đầu tư BOT này bỏ ra độ khoảng 1.400 tỉ đồng. Quá hời!

Đừng thấy chỉ vài chục tài xế phản ứng bằng cách trả phí bằng tiền lẻ mà vội kết luận phần đông nhà xe còn lại đều đồng tình, như ông thứ trưởng nói. Muốn biết đích xác, phải làm phiếu thăm dò một cách bài bản, khoa học. Bộ chủ quản cũng không nên kêu gọi người dân đồng tình ủng hộ hay tuân thủ pháp luật trong khi những bất cập sờ sờ trước mắt như vậy mà bộ lại làm ngơ. Bộ hãy tự nhắc mình trước đã…!

Hoài Phương

http://nld.com.vn/…/ong-thu-truong-noi-ky-qua-2017081223331…

Ông thứ trưởng nói kỳ quá!