NHỮNG CHUYỆN KINH DỊ CHƯA TỪNG BIẾT VỀ "ÂM HUYỆT" BỊ TRẤN YỂM NHƯ TRẬN

NHỮNG CHUYỆN KINH DỊ CHƯA TỪNG BIẾT VỀ "ÂM HUYỆT" BỊ TRẤN YỂM NHƯ TRẬN ĐỒ BÁT QUÁI Ở TRÀNG AN – NINH BÌNH!!!!!!

Bài 1: “Oan hồn quân sỹ” đưa một phó giám đốc ở Hà Nội về Tràng An tìm trận đồ trấn yểm

Mới đây, chị Nguyễn Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tâm linh (cơ quan trực thuộc UIA), đã mời tôi về Ninh Bình, tham dự sự kiện Hội thảo quốc tế du lịch tâm linh diễn ra tại chùa Bái Đính. Khi xe chạy phăm phăm trên cao tốc, chị Hương mới tiết lộ rằng, nhân sự kiện này, tìm về đó, xem có gặp được cao nhân nào không. Câu chuyện cứ úp úp, mở mở, để rồi, mãi sau, tôi mới hiểu rằng, hóa ra, chị Hương cùng một nhân vật nữa trên xe, là Lê Thái Bình, tìm về Ninh Bình còn có mục đích khác. Ngày diễn ra sự kiện Hội thảo du lịch tâm linh cũng là ngày đẹp, là ngày linh khí hội tụ ở vùng đất Tràng An. Vào hội thảo trong chùa Bái Đính uy nghiêm dạo vài vòng, không tìm được nhân vật nào thực sự hiểu cặn kẽ phong thủy quốc gia, nên chúng tôi rời hội thảo, ngược ra Tràng An. Ở khu du lịch Tràng An có hai địa danh là Tràng An và Tràng An Cổ. Tràng An là khu vực mới được xây dựng, đẹp tráng lệ, thực là thiên đường dưới hạ giới. Khu vực khe núi này được đắp đập, trữ nước, các quả núi được đào thủng, tạo thành những dòng sông ngầm, du khách đi thuyền thưởng ngoạn cả ngày mới hết. Tràng An Cổ nằm cạnh đó, khá khiêm tốn, vắng khách hơn, nhưng đây mới thực sự là Tràng An. Người khai sinh ra cả hai khu du lịch nổi tiếng này chính là ông Nguyễn Văn Son, người con đất Tràng An. Ông khảo sát, thiết kế, rồi người em họ, là đại gia Nguyễn Xuân Trường xây dựng khu Tràng An mới, còn ông lui về làm ông chủ khu Tràng An Cổ. Tràng An Cổ đầy bí hiểm, đau thương, nơi ông xác định gắn bó cả đời. Chuyện về ông Son sẽ nói ở phần sau.

Lần về Tràng An cổ này, chị Nguyễn Thị Thu Hương, và anh Lê Thái Bình đã xem ngày kỹ lưỡng. Anh Lê Thái Bình sinh năm 1983. Chàng trai quê Hải Phòng này già dặn hơn tuổi rất nhiều. Hiện anh Bình là Phó Giám đốc Công ty Sao Phương Nam và chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiền Việt. Anh Bình là thầy giáo dạy thiền, hướng dẫn hàng trăm người tập thiền để nâng cao sức khỏe, khám phá những bí ẩn của bộ não. Anh Bình tâm sự: “Tôi tốt nghiệp đại học, có trình độ hẳn hoi, không phải người u u mê mê tin vào những chuyện dị đoan, nhưng những thứ tôi trải qua, chứng kiến thì không thể nào dùng lý luận khoa học để bác bỏ được”. Câu chuyện anh Bình kể trên hành trình tìm về Tràng An cổ quả thực khiến tôi có cảm giác như lạc vào cõi u mê, như thể mình đang lạc vào không gian đầy sự mộng mị của thời Đinh, thời Lê xa xăm, tít tắp ngàn năm trước.

Cách đây 2 năm, Lê Thái Bình bỗng nhiên bị rơi vào trạng thái lạ, mà anh gọi là “cơ đày”. Anh Bình có những biểu hiện kỳ lạ, như thể bị vong nhập, hoặc nhìn thấy vong. Anh Bình thuật lại: “Kể ra thì bảo mê tín dị đoan, nhưng tôi đang là người bình thường, tâm lý ổn định, thể chất khỏe mạnh, thậm chí là lãnh đạo trẻ của một doanh nghiệp, thì không thể nói có đầu óc mê tín dị đoan, dễ dàng tin vào chuyện ma quỷ được. Trước đó, tôi không hề đi hầu đồng, hầu bóng, áp vong, nên không thể nói bộ não bị tổn thương. Nhưng đột nhiên, như có sự mách bảo, tôi cứ thế ra đền Ngọc Sơn (đền Ngọc Sơn trên hòn đảo giữa hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội), rồi múa may ở đó. Lúc tỉnh lại, thì lại tìm đường về nhà, không có biểu hiện gì nữa. Khi ra đền Ngọc Sơn, tôi thấy quân lính nhiều, người gãy tay, gãy chân, người cụt đầu, máu me. Thấy hiện tượng lạ, nhưng lúc tỉnh táo, tôi chưa tin ngay, mà phân tích rành rẽ. Tuy nhiên, sự việc này mỗi ngày càng xuất hiện nhiều hơn, buộc tôi phải tìm đến các thầy bà. Tuy nhiên, đi nhiều nơi, đến nhiều thầy, song họ không nhìn thấy gì, không xem được gì. Thế nhưng, điều lạ lùng, là nhiều thầy giỏi bảo nhìn vào trán tôi thấy hình cái giếng rất sâu, trong giếng có quyển sách, cái kiếm và ánh trăng lồng bên trong”.

Theo anh Lê Thái Bình, thời gian đó, cảm giác như có thế lực nào đó cứ thúc giục anh phải đi đâu đó, tìm gặp ai đó, mà bản thân anh cũng không hiểu được. Một lần, đang lang thang ngoài đường, gặp một người tầm 40 tuổi. Người này chặn anh Bình lại bảo rằng: “Em liên quan đến một ông tướng ngày xưa, em phải về Ninh Bình để tìm lại gốc gác của mình”. Anh này nói xong, rồi đột nhiên giật mình, nói giọng khác. Anh ta bảo rằng, anh không phải nhà tâm linh gì cả, chỉ là người bình thường. Những gì anh ta nói với anh Bình, bản thân anh ta cũng không hiểu được.

Suốt 3 ngày, kể từ khi gặp người đàn ông lạ, anh Bình không ngủ được, cứ bị điều gì đó thôi thúc, phải đi tìm nguồn gốc của mình. Cả 3 hôm ấy, đi dạy thiền cho các học viên, anh vẫn gặp chuyện lạ. Điều kỳ cục là một số học viên của anh cũng bảo rằng, khi rơi vào trạng thái vô thức, thấy quân lính lũ lưỡi kéo về, tiếng gươm đao loảng xoảng. 3 hôm sau ngày gặp người đàn ông lạ, anh cùng một đệ tử, là một cô gái, khá giỏi tâm linh lên đường về Ninh Bình. Chuyến về Ninh Bình khi đó khá vô định, đi theo sự thôi thúc, chứ không có chủ đích nào cả. Về đến một ngôi đình, rồi một ngôi đền ở Hoa Lư, chỉ mới đến cổng, cô đệ tử này đã bảo với anh Bình: “Sao toàn quân lính đứng hai bên đường thế kia”. Bản thân anh Bình khi đó cũng nhìn thấy quân lính đứng hai bên, cờ xí phấp phới, trống chiêng vang vọng, tuy nhiên, anh không kể, mà lắng nghe lời của cô đệ tử. Việc cả anh Bình và cô học viên nhìn thấy là khớp nhau, nên khó có thể nói đây là hiện tượng ảo giác.

Thấy quân lính đón mình như vị tướng, nên anh Bình biết phải làm gì. Anh cùng đệ tử đến chùa Bái Đính cổ để bái Phật, xin được chỉ dẫn. Lúc bái Phật, được truyền mấy câu thơ vào tai. Anh Bình chủ quan không ghi lại, nên lúc sau quên mất. Tuy nhiên, nội dung bài thơ chỉ anh phải đi về hướng Tràng An. Anh cùng đệ tử tiếp tục lên xe, kêu lái xe đi về hướng Tràng An. Khi xe chạy qua đường hầm xuyên núi thì thấy khắp hai bên đường, kéo dài lên tận đỉnh núi là quân lính, với giáo mác uy nghiêm, xếp hàng ngay ngắn, trùng trùng điệp điệp, như thể sắp ra trận. Đến khu vực Tràng An Cổ, như thể có thế lực vô hình, kéo anh vào, nên anh bảo lái xe rẽ vào cái cổng có dòng chữ “Tràng An Cổ” dưới chân núi. Vừa bước chân qua cổng, thì gặp ông Nguyễn Văn Son, người đàn ông tưởng như khắc khổ, nhưng vẫn toát lên dáng vẻ của một thi sĩ. Vừa gặp anh Bình, ông Son đã niềm nở bắt tay bảo: “Đúng là anh rồi. Đêm qua tôi nằm trằn trọc không ngủ được, cứ nhắm mắt là mơ thấy một người nào đó về tâm linh sẽ về gặp tôi. Chắc đúng là anh rồi”. Ông Son vừa nói xong, thì anh Bình bảo: “Ông ơi, ở đây có cái giếng nào sâu lắm, sâu không có đáy không ông?”. Ông Son gật đầu bảo có cái giếng rất sâu trên núi, gọi là giếng Trời.

Anh Bình cứ thế rảo bước phăm phăm, như thể có thế lực nào đó kéo đi. Vào đến ngôi đền thờ vua Đinh cùng các quân, tướng trên vách đá, anh Bình tự dưng khóc rống lên. Anh thấy linh hồn của mình chít khăn, đóng khố. Linh hồn bay lên, nhưng anh thì cứ đứng khóc. Đêm xuống, ông Son giữ lại ăn nghỉ, để xem có chuyện gì xảy ra tiếp. Bóng đêm xuống, ông Son bật hết điện ở khu Tràng An Cổ lên. Ánh điện chiếu xuống dòng Sào Khê lấp lánh. Đứng trên đền, nhìn xuống sông Sào Khê anh Bình thấy hàng ngàn quân lính khóc ai oán. Nhìn về phía hang Luồn, anh thấy trận pháp bày dưới sông rõ mồn một. Anh Bình nhớ lại: “Lúc tôi nhìn về hang Luồn, thì tự dưng nguyên thần của tôi bay đến, tìm cách phá trận pháp đó. Tuy nhiên, có người đến chặn và bảo: “Tướng quân không được vào đây. Đây là trận pháp trấn yểm, không được phá”. Khi người này ngăn chặn, thì nguyên thần của tôi lại trở về. Lúc nguyên thần bay đi, tôi nhìn rõ, nhưng toàn thân cứng đờ, không chuyển động được. Khi nguyên thần trở về với cơ thể, thì tôi trở lại bình thường, nhưng trong lòng thấy nỗi buồn tràn ngập tâm can, buồn vô hạn. Tôi tỉnh táo lại, thì thấy cô đệ tử khóc to lắm. Linh hồn một người lính đã nhập vào cô ấy bảo tôi mang họ Nguyễn, xưa là tướng quân, xưng là chủ tướng. “Người lính” ấy cứ khóc, kêu khổ lắm, đói lắm, phải ở đây làm lính, canh giữ long mạch đất nước. “Người lính” ấy còn bảo tôi đi tu hành bao năm, giờ mới quay lại, nhận lại tiền kiếp. “Người lính” còn bảo, khi nào có ấn tín của “chủ tướng”, tức tiền kiếp của tôi, thì họ mới về được”. Lúc ấy, tôi vỡ vạc ra nhiều điều, hiểu được tiền kiếp của mình. Suốt hai ngày, hai đêm, tôi ngồi đọc chú đại bi, hồi hướng cho quân lính, khao quân liên tục, tiền vàng rải nhiều lắm. Tôi cho phép quân lính về lại quê hương bản xứ, nhưng cấm không được quấy phá dương gian. Nếu không có chỗ dung thì quay lại với chúng tôi, tôi tu cái gì thì tu theo cái ấy. Xong việc, tôi đốt hết kinh. Sau khi thực hiện xong những việc tâm linh ấy, thì tôi gặp lại ông Son, bảo ông phải làm đàn tế thật to, để giúp các oan hồn nơi đây siêu thoát. Tôi sẽ hỗ trợ cùng ông Son làm việc ấy”.

Câu chuyện của anh chàng Lê Thái Bình quả thực quá kỳ dị, như thể câu chuyện ở một thế giới xa xăm nào đó. Tuy nhiên, khi gặp ông Son, ông bảo rằng, lần đầu tiên gặp Bình, ông đã có cảm giác rất lạ, như thể là người sẽ giải đáp cho ông nhiều điều khó hiểu ở Tràng An Cổ, nơi ông đã gắn bó, xây dựng nhiều năm nay, và gặp vô số điều lạ lùng, kỳ bí, mà bản thân ông không thể giải thích được. Những tiếng binh đao hàng đêm vẫn văng vẳng từ dưới sông. Những tiếng khóc ai oán của thiếu nữ. Những oan hồn vẫn đây đó, mà nhiều lúc rơi vào trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ, ông vẫn cảm nhận thấy được. Vô số điều kỳ lạ tập trung ở cửa hang Luồn, là điểm nhấn của khu du lịch Tràng An Cổ, là điểm nhấn của toàn bộ vùng đất Tràng An, mà ông chỉ có thể bó tay, không sao giải thích. Ông đã moi lên hàng đống xương người, ông đã lập cả một nghĩa địa để thờ cúng chu đáo. Nhưng, tại sao lại có nhiều xương đến vậy. Rồi còn hàng đống tiền cổ, hàng tạ cổ vật kỳ lạ. Còn xương hổ, xương voi nữa chứ. Những thứ đó, vì sao tập trung ở một địa điểm dưới dòng Sào Khê? Những câu hỏi bao năm nay không có lời giải, đã thêm một lần nữa, được chàng trai Lê Thái Bình gợi mở, khiến ông Nguyễn Văn Son càng tin tưởng hơn vào một huyệt mạch kỳ lạ, một trận đồ trấn yểm có thể nói là cực kỳ quan trọng từ cả ngàn năm trước.

Lần này, trở lại Tràng An Cổ, cùng cả chị Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm truyền thông Tâm Linh, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Son đón tiếp chu đáo. Chúng tôi rẽ vào Tràng An Cổ, mà không hề báo trước với ông Son. Lê Thái Bình bảo rằng, cứ tự đi, tự đến, có nhân duyên thì gặp, không có nhân duyên, thì có gặp cũng không mang lại kết quả. Tràng An Cổ những ngày đông giá rét, khách tham quan vắng. Cả hai khu Tràng An đều chìm trong màn sương bàng bạc, buồn tẻ. Từ trên vách núi, tôi thấy con chim kỳ lạ, thân màu đen, có chút sọc đỏ, sọc trắng, cái mỏ to tướng như mỏ bồ nông đậu trên một chạc cây soi bóng xuống dòng Sào Khê. Tôi hỏi chị lái đò, rằng con chim gì mà lạ lùng thế. Chị lái đò nhìn theo hướng tay tôi chỉ, rồi rú lên ra vẻ kinh ngạc lắm. Hóa ra, đó là chim phượng hoàng đất, loài chim cực kỳ quý hiếm, tưởng như tuyệt chủng ở Việt Nam. Tuy nhiên, thi thoảng loài chim này vẫn xuất hiện ở khu vực Tràng An. Rất hiếm người ghi lại được hình ảnh loài chim này. Đồn rằng, phượng hoàng đất thường xuất hiện vào những dịp trọng đại, và chỉ có những người may mắn lắm mới được chiêm ngưỡng loài chim này. Khi chúng tôi đang bàn tán, thì con phượng hoàng đất nhào ra phía dòng Sào Khê, rồi vỗ cánh phành phạch bay mất hút vào trong núi.

Từ phía vách núi, nơi ngôi đền thờ Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bặc và ba quân tướng sĩ, phát ra tiếng đàn bầu não nuột. Cảnh mùa đông lạnh giá, vắng vẻ, thi thoảng chỉ có tiếng chim kêu, rừng núi âm u, nghe tiếng đàn bầu mà buồn. Chúng tôi hỏi ông Nguyễn Văn Son, thì chị lái đò bảo: “Trưa nay, ăn xong, bác Son gọi em đến bảo chiều nay sẽ có khách tâm linh đến. Bác dặn em ngồi đây đợi, rồi có gì chèo đò đưa khách đi. Mùa này không có khách thăm quan đâu. Chắc đúng là đoàn mình rồi”. Một lần nữa tôi kinh ngạc. Chẳng lẽ ông Son có khả năng dự báo, biết trước khách đến? Anh chàng Lê Thái Bình thì cho rằng chuyện đó rất bình thường. Khi đã có sự giao lưu của thần thức, thì sẽ được báo mộng. Chúng tôi đang leo đến lưng chừng núi, thì tiếng đàn bầu im bặt. Ông Nguyễn Văn Son, dáng cao, gầy, mái tóc vuốt ngược, vầng trán cao, dáng vẻ thi sĩ ra bắt tay. Trà nóng ông đã pha sẵn. Ông bảo, đêm trước không ngủ được, cứ nhắm mắt là thấy ba quân tướng sĩ, cờ xí rập rờn đón tướng quân. Lúc thì được báo mộng hôm nay sẽ có khách quan trọng đến. Vậy nên, cả ngày ông Son không đi đâu, không làm gì, chỉ ra quẩn vào quanh, hết gảy đàn, lại pha trà thưởng thức. Gặp lại anh chàng Lê Văn Bình, ông Son rất vui. Có thêm tôi và chị Thu Hương, ông Son hào hứng kể nhiều chuyện. Ông dẫn chúng tôi thăm quan một vòng khu Tràng An cổ. Đích thân ông chèo thuyền dọc sông Sào Khê, rồi kể tỉ mỉ, cặn kẽ từng thứ. Biết bao câu chuyện mà ông xới lên từ những trang sách, từ lời kể dân gian, từ những lớp sâu bùn đất mà ông đào bới, khai quật lên. Tôi có cảm giác, ông Son là nhà văn hóa, nhà sử học, nhà tâm linh, là một thi sĩ, với bộ óc dường như được khai sáng, chứ không phải là một ông nông dân, một ông trưởng thôn, ông chủ nhiệm hợp tác xã đóng gạch, ngói ở vùng đất này. Riêng Lê Văn Bình từ chối ngồi thuyền dưới dòng Sào Khê. Anh Bình bảo, anh sợ cảm giác nhìn thấy hình ảnh quân lính đói khát, bi thương, nên anh chỉ luẩn quẩn ở chỗ nhà khách, hoặc đi lại ngó nghiêng dưới chân núi.

Đi một vòng dọc sông Sào Khê, vào hang Luồn, chúng tôi trở ra. Anh Lê Thái Bình yêu cầu ông Son dẫn anh cùng chúng tôi thắp hương ở đền, rồi lên giếng trời. Cái giếng đó nằm trên lưng chừng núi, nhìn nghiêng xuống hang Luồn, nơi có dòng Sào Khê. Tôi nhặt hòn đá nhỏ, ném xuống, nhưng chẳng thấy tiếng dội lại. Ông Son bảo, giếng này không đáy. Ông đã nhiều lần thử thám hiểm, ròng dây trèo xuống, đeo cả bình ô xi, nhưng không đến đáy. Thế nên, người Tràng An mới gọi là giếng Trời. Có truyền thuyết về cuốn sách và thanh kiếm trong giếng, đúng như lời những ông thầy tướng nói vào thời điểm anh Bình bị “cơ đày”. Thế nhưng, anh Lê Thái Bình vừa đến cửa giếng Trời, đã quay ra, không dám đến gần. Anh Bình bảo rằng, âm khí ở giếng nhiều quá. Oan hồn tụ ở giếng này quá nhiều, nên những người nhạy cảm với khí âm không đến gần được.

Sau khi tham quan một vòng, anh Bình trình bày với ông Son rằng, lần này về Tràng An, anh có cảm giác nhẹ nhõm hơn lần trước. Nỗi oan trái cũng ít hơn, các oan hồn vất vưởng của tướng sĩ cũng không còn nhiều như lần trước nữa. Ông Son bảo rằng, cảm nhận của anh Bình là hoàn toàn chính xác. Sau lần anh Bình về đây, thì có một ông thầy bí ẩn, theo phái Mật Tông, đã cùng cả trăm đệ tử từ Hà Nội tìm về, lập đàn giải oan cho các oan hồn. Ông thầy bí ẩn này đã thực hiện lễ giải oan hai lần, nên việc các oan hồn vất vưởng ở Tràng An, cũng như trận pháp dưới dòng Sào Khê đã được giải phần nào. Ông Nguyễn Văn Son bảo: “Hai năm trước cậu về đây khóc lóc ầm ĩ, rồi yêu cầu tôi làm đàn tế giải oan, tuy nhiên, tôi chưa tin lắm, với lại điều kiện chưa cho phép để làm đàn tế lớn. Một thời gian sau, thì thầy Hiếu cùng đoàn đệ tử về đây. Ông ấy bảo đây là huyệt mạch quốc gia, có một trận pháp trấn yểm quan trọng. Ông ấy tự làm đàn tế giải oan cho các oan hồn những hai lần. Có lẽ, đàn tế giải oan của ông ấy có tác dụng, nên lần này cậu cảm nhận khác hơn”.

Bài 2: Trận pháp trấn yểm “ăn thịt” người sống một cách bí ẩn

Cái chết thảm của 6 diễn viên chèo

Ông Nguyễn Văn Son là người gốc Tràng An, đã nhiều đời ngụ ở vùng đất này. Xưa kia, Tràng An được bao bọc bởi bốn bề núi đá, chỉ có con đường duy nhất vào Tràng An bằng dòng Sào Khê và phải chui qua hang Luồn. Dòng Sào Khê chảy qua bụng quả núi, tạo ra con đường thủy kỳ lạ. Ngày bé, ông Son thường cùng bạn bè vào trong núi đánh bắt cá, đặt bẫy thú, lấy cây thuốc… Cuộc sống của người dân Tràng An bám chặt vào dòng Sào Khê này. Do Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, nên năm 1971, chính quyền đã mở đường bộ vào trong núi, nhằm đưa các cơ quan, trụ sở, trường học vào ẩn náu tránh bom đạn.

Như đã nói ở kỳ trước, có rất nhiều cơ duyên để ông Nguyễn Văn Son khẳng định cửa hang Luồn chính là trận đồ trấn yểm vô cùng quan trọng, mà mãi sau này, khi nạo vét lòng sông, cửa hang, ông Son mới biết. Trước đó, trong làng đã tồn tại vô số lời đồn rùng rợn liên quan đến đoạn sông là miệng hang Luồn, mà các cụ già ở Tràng An vẫn kể. Chuyện cửa hang này “ăn thịt người” liên tiếp trong nhiều năm, những người già trong làng đều biết, nhưng không ai giải thích nổi. Bản thân ông Son, đã sống 60 năm ở ngôi làng cổ này, ra vào hang Luồn không biết bao nhiêu lượt, cũng không thể nhớ nổi có bao nhiêu vụ chết thảm ở miệng hang kỳ quái này. Số người chết, số vụ chết đuối quá nhiều khiến ông kể lại mà cứ nhầm vụ nọ với vụ kia.

Kinh hoàng nhất là vụ chìm thuyền, khiến cả đoàn chèo gồm 6 diễn viên chết thảm. Ông Son không nhớ rõ năm bao nhiêu, chỉ nghe các cụ kể lại, thời Pháp thuộc, vào khoảng năm 1940 đến 1943 gì đó, trước độc lập vài năm, một đoàn chèo gồm 6 diễn viên nhận nhiệm vụ vào trong núi phục vụ công binh tiền phương. Khi đó, công binh tiền phương, dân quân du kích, Việt Minh trú ngụ ở trong núi khá nhiều. Địa bàn Tràng An rừng rú hoang rậm, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, dễ phòng thủ, khó tấn công, nên Việt Minh chọn làm căn cứ. Thi thoảng, các đoàn chèo vẫn vào trong núi phục vụ những khán giả đặc biệt này. Hôm ấy, chừng 5 giờ chiều, chiếc thuyền chở 6 diễn viên chèo xinh đẹp chạy dọc sông Sào Khê, rồi chui vào hang Luồn. Đoạn hang chỉ sâu độ 100 mét, xuyên qua quả núi, tiếp tục dẫn vào các thung, khe bên trong. Thế nhưng, không hiểu sao, vừa đến cửa hang Luồn thì gió to sóng lớn nổi lên khiến con thuyền dập dềnh rồi lật úp. Thuyền lật xong, thì sóng yên gió lặng. Ông chèo đò vật lộn bơi vào bờ, nhìn ra sông chẳng thấy ai nữa. Cả 6 diễn viên chèo mất tăm mất tích dưới dòng nước bạc. Giữa cảnh núi non trùng điệp bao vây, con sông Sào Khê chỉ rộng độ 100 mét, nên sóng lớn, gió to tự dưng xuất hiện nhấn chìm thuyền là điều vô cùng kỳ lạ, không thể giải thích nổi. Khi đó, cả làng Tràng An ra sông tìm kiếm, câu xác, nhưng không thấy đâu. Mấy ngày sau, xác 6 nữ diễn viên chèo mới nổi lên, dập dềnh ở ngay miệng hang Luồn, đúng nơi sau này ông Son phát hiện trận pháp trấn yểm. Theo lời ông Son, thi thoảng, những du khách có giác quan nhạy cảm, khi đi qua hang Luồn, đã thắc mắc với nhân viên lái đò của ông, có người còn thắc mắc trực tiếp với ông rằng, khi đến cửa hang Luồn, họ nghe thấy tiếng hát chèo ở đâu đó vọng lại. Có người lại thắc mắc nghe thấy tiếng cười trong trẻo của các cô gái.

Những cái chết bí ẩn

Năm 1959, một vụ tai nạn thảm khốc nữa đã diễn ra ở cửa hang Luồn, nơi được cho là trận pháp trấn yểm, giam giữ nhiều oan hồn. Mùa hè năm đó, 4 phụ nữ, đều ở tuổi trên dưới 30, chèo thuyền vào trong thung đi cấy. Con thuyền ấy dùng chở lúa, chở phân bón, đủ sức tải cả chục người, nên 4 phụ nữ nhỏ nhắn ngồi trên thuyền sức trọng tải chẳng đáng là bao. Thế nhưng, không hiểu sao, đến cửa hang Luồn, thì thuyền lật úp. Cả 4 phụ nữ trong làng, đều là người giỏi lặn ngụp, mò cua bắt ốc dưới sông Sào Khê suốt ngày, đã chết một cách thảm khốc. Miệng hang Luồn chẳng sâu lắm, nhưng dân làng mò mẫm, câu xác mà không thấy đâu. Mấy ngày sau, y rằng xác 4 phụ nữ nổi lên chỗ cửa hang. Điều không ai lý giải được, là vì sao xác chìm ngay miệng hang Luồn mà những người mò xác, câu xác không tìm thấy?

Vụ trận pháp trấn yểm hang Luồn “nuốt người” hàng loạt thứ ba, mà ông Son, cũng như các cụ già ở làng Tràng An ám ảnh nặng không kém, là vụ 5 học sinh chết đuối vào ngày 3/12/1963. Hồi đó, 5 học sinh này chèo thuyền đi học. Tuy nhiên, thuyền đã bị nhấn chìm một cách bí ẩn bởi giông bão nổi lên bất chợt ngay cửa hang Luồn. Trong số 5 học sinh đó, thì có 4 nữ, một nam, và một người tên Nguyễn Thị Nụ, là chị vợ của ông Son. Cả 5 học sinh khi đó đã 10 tuổi, bơi lội rất giỏi, nên việc chết đuối cả 5 là điều bí hiểm. Theo ông Son, cư dân Tràng An, sống cạnh sông Sào Khê, khắp nơi là thung sâu, nên 4 tuổi đã biết bơi cả rồi. 6-7 tuổi đã có thể bơi qua sông Sào Khê dễ dàng, nên việc chết đuối ở mép hang Luồn chỉ có thể đổ cho trận pháp trấn yểm bí ẩn, nơi nhốt vô số linh hồn oan khuất bị táng sống.

Sau khi 5 học sinh mất mạng vài năm, thì một chị cấp dưỡng cho trạm quân y chết đuối tại miệng hang. Mới đây nhất là bà Đa, khi bơi thuyền qua hang Luồn, đã bị lật thuyền chết đuối. Vào năm 2004, anh Hà, 47 tuổi, cũng chết đuối dưới sông Sào Khê một cách bí ẩn. Nhà anh Hà gần bờ sông, nên anh bơi lội rất giỏi. Mọi người chỉ phát hiện khi xác anh nổi lềnh bềnh dưới sông. Nguyên nhân vì sao anh Hà chết dưới sông, đến nay vẫn là bí ẩn chưa có lời giải. Tiếp đó, năm 2009, ông Đức, 50 tuổi, đi mò trai, hến cách cửa hang Luồn độ 300 mét cũng chết thảm một cách đầy bí hiểm. Ông Đức đi mò ốc từ sáng, đến trưa không thấy về, gia đình đi tìm, thì phát hiện ông nổi lềnh bềnh trên sông, theo tư thế ngồi co gối. Điều kỳ lạ là ông vừa chết đã nổi xác, mà xác lại nổi phần vai và lưng, nên nhiều người đứng trên bờ tưởng ông đang vục mặt xuống nước mò ốc.

Trước đó không lâu, công nhân cơ khí 1-5 bắc điện qua sông Sào Khê, cách hang Luồn một đoạn, cũng gây ra 3 cái chết thảm khốc. Chẳng là dây điện đứt, rơi xuống nước, một công nhân chạy ra bờ sông rửa tay, bị điện giật cắm đầu xuống sông chết ngay tức khắc. Một cụ già ở làng Tràng An thấy thế, liền nhảy xuống sông vớt anh này lên, thì cũng bị điện giật chết luôn. Một công nhân nghe tiếng động dưới sông liền chạy ra. Anh này vừa dẫm chân đến mép nước, cũng đã bị nhiễm điện chết tại chỗ. Cái chết thảm khốc của 3 người bởi điện giật, cũng được người dân Tràng An đồn thổi, gán ghép với những câu chuyện kinh dị bởi những oan hồn dưới sông Sào Khê. Trước đó, các cụ trong làng Tràng An chưa biết đến câu chuyện về trận pháp trấn yểm ở cửa hang Luồn, mà chỉ biết rằng, dòng Sào Khê là nơi chôn giấu nhiều nỗi oan khiên, nơi có nhiều oan hồn nhất. Các oan hồn cứ đời nọ nối tiếp đời kia bắt người một cách oan trái. Một số câu chuyện truyền miệng trong làng cũng kể lại rằng, xưa kia, mỗi khi ra trận, vua Đinh Tiên Hoàng đều làm lễ rất lớn ở sông Sào Khê, còn cụ thể ở chỗ nào, có trận đồ trấn yểm hay không, thì thông tin không rõ ràng lắm.

Vùng đất oan khiên

Ngày bé, bên bếp lửa hồng, các cụ già thường kể chuyện về Đinh Tiên Hoàng cưỡi trâu giương cờ lau tập trận. Bây giờ, ông Son vẫn giữ cuốn sách “Ngọn cờ lau lịch sử” đã xuất bản từ ngót trăm năm nay và coi đó là vật báu. Cuốn sách hé lộ nhiều thông tin thú vị, quan trọng về Tràng An. Ông Son đã thuộc từng quèn núi, từng hang động, vách đá và ông rất chú tâm tìm hiểu địa hình thực tế với mô tả trong sách vở. Các thông tin trong sách vở rất khớp với thực tế, nên từ lâu, ông Son đã tin rằng, vùng đất này chính xác là nơi vua Đinh Bộ Lĩnh dựng nghiệp. Giai đoạn từ năm 1991 đến 2000, khi ông Son là trưởng thôn Tràng An, rồi chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, ông chuyên tâm tìm hiểu lịch sử, phong tục truyền thống, các nhân vật lịch sử. Ông nhận thấy, ngoài Đinh Tiên Hoàng, còn vô số vị tướng, khai quốc công thần liên quan đến vùng đất nhỏ bé này. Trong các văn bia khai quật sau này còn khẳng định tướng Nguyễn Bặc đã chiến đấu, rồi chết ở đây. Nguyễn Trãi cũng từng sống ở Tràng An. Thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp sản xuất ngói nung, đào bới đất nhiều, ông Son khám phá ra thêm khá nhiều chuyện lạ. Ngôi đền đổ nát bên con sông Sào Khê, thờ Đinh Tiên Hoàng đã được tìm thấy. Ngôi đền còn thờ 4 vị tướng nữa, gồm Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Đinh Điền, Trịnh Tú. 4 vị tướng đầu triều thân cận với vua Đinh đều chết thảm dưới triều vua Lê. Ngoài ra, theo tục truyền địa phương, thì còn 8 ông tướng nhà Đinh nữa, được Lê Hoàn mời về phục vụ triều đình, nhưng biết rằng nếu ra hàng, sẽ bị giết, nên đã uống thuốc độc tuẫn tiết bên dòng Sào Khê. Mãi về sau, các nhà khảo cổ mới phát hiện ra ở thành phố Ninh Bình có chùa Bát, đã đổ nát hoàn toàn. Ngôi chùa này vốn là đền thờ 8 vị tướng trung nghĩa với triều Đinh, nhưng sợ Lê Hoàn, nên người dân không gọi là đền, mà gọi là chùa.

Để khẳng định xưa kia, nơi đây có nhiều quân tướng tự sát, gây cảnh tang tóc oan khiên vô cùng lớn, ông Nguyễn Văn Son dẫn tôi lên vách núi, bên phải ngôi đền. Trong vách núi ấy, ông làm một chiếc tủ kính, chứa hàng trăm chiếc bát cổ, cả lành lẫn vỡ. Theo ông Son, từ năm 2001, Nhà nước khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, ông đã nảy sinh phát triển du lịch Tràng An. Đúng thời điểm đó, ông mắc một căn bệnh hiểm nghèo, nằm liệt giường. Suốt thời gian dài, cứ ăn thứ gì liền nôn ra thứ đó. Một số bệnh viện khẳng định ông đã bị ung thư giai đoạn cuối, nên trả về chờ chết. Nhìn bố nằm còng queo trên giường, không đành lòng, nên cô con gái đưa ông ra Bệnh viện Việt Đức. Bác sĩ xét nghiệm khẳng định ông không bị ung thư dạ dày, mà là bị dị hạt sản, căn bệnh còn nguy hiểm hơn cả ung thư. Căn bệnh này khiến toàn bộ dạ dày bị viêm cấp, chỉ cần thay đổi thời tiết, hay ăn uống không phù hợp sẽ chảy máu đến chết. Thế nhưng, theo lời ông Son, như thể có thế lực tâm linh phù hộ, ông không chết, mà tự dưng sống lại, rồi khỏe mạnh đến giờ. Từ đó đến nay, ông làm việc quần quật, uống rượu, hút thuốc lào thoải mái không sao. Ông Son tin vào thế lực tâm linh bí ẩn đã và đang giúp đỡ ông.

Năm 2002, ông Son thành lập công ty TNHH Thiên Trường, mở các cuộc khảo sát khắp vùng Tràng An. Ông cùng người em họ, là ông Nguyễn Xuân Trường vào cuộc. Để xây dựng hai khu Tràng An và Tràng An cổ, hàng loạt cuộc khảo sát, khai quật tiếp tục diễn ra trên quy mô rộng lớn. Nhiều nền móng đình chùa, nhiều di vật đặc biệt đã được khai quật nên. Các cuộc khải quật khảo cổ đã làm sáng tỏ thêm nhiều câu chuyện trong sử sách, truyền miệng. Những chiếc bát mà tướng sĩ dùng để uống thuốc độc tự sát là bằng chứng ông Son giữ trong đền để thờ ba quân. Để chứng minh rằng, vùng đất này chứa đầy oan hồn, ông Son đã lấy thuyền chở tôi xuyên qua đền Trần, vào thung lũng, nơi mà theo ông, có cả ngàn tướng sĩ chết thảm.

Vượt qua vách đá, tôi và ông Son đi sâu vào thung Thắm. Thung rộng mênh mông, có lẽ đi cả buổi cũng không hết thung lũng này. Thung Thắm thật kỳ lạ, như một vùng đất ngập nước ven biển, với hệ thống si chằng chịt mọc như kiểu sú vẹt. Si không chỉ mọc kín thung lũng, mà tràn lên mấy quả núi, chạy lắt léo qua các thung khác trong một vùng rộng lớn, tạo thành một rừng si nguyên sinh khổng lồ. Tôi ngạc nhiên không hiểu đây là giống si gì, thì ông Son bảo: “Đây không phải rừng si đâu, mà là một cây si đấy. Nói không ngoa, thì đây là cây si ngàn tuổi, lớn nhất thế giới. Diện tích bao phủ của nó phải tính bằng cả chục héc-ta, kín cả thung lũng, trùm mấy quả núi”.

Tôi tỏ ra ngạc nhiên, không hiểu, tưởng có ẩn ý gì, thì ông Son thách đố: “Tôi đố cậu tìm thấy cây si nào mọc riêng biệt ở thung Thắm này đấy? Mặc dù có nhiều rễ, nhiều gốc, nhiều nhánh, nhưng tất cả chúng đều dính liền với nhau. Gốc nọ dính liền với gốc kia, mọc nhánh, lan ra như mạng nhện khổng lồ, dài hàng km, nên vẫn chỉ là một cây mà thôi”. Chuyện si, sanh buông những chiếc rễ nhỏ như chiếc tăm, rồi cái rễ đó lớn lên thành gốc cây khổng lồ, đâm nhánh, nảy thân không có gì lạ. Nhưng một thân mà lan ra trùm kín cả thung lũng, trùm mấy quả núi thì thực là một chuyện kỳ lạ chưa từng thấy trên thế giới, chứ không nói gì ở Việt Nam.

Để lý giải chuyện này, ông Son dẫn tôi lên đền Trần. Đó là ngôi đền nhỏ, xây dựng bằng đá, nằm dưới một mái đá cao vòi vọi. Đền thờ Thánh Minh Đại Vương, tên húy Nguyễn Hiển, em song sinh của Nguyễn Sùng và là em con chú của Sơn Tinh. Ngôi đền được xây dựng từ thời Đinh, gọi là đền Hiềm (trấn phía Nam). Tuy nhiên, đến thời Trần, vua Trần Cảnh ngang qua đây, đã đổi tên thành đền Trần và tên đó tồn tại đến ngày nay.

Ông Son đứng bên mép đền, chỉ tay khắp thung Thắm. Ông kể rằng, theo truyền thuyết, thì tại thung lũng này, từng diễn ra vụ thảm sát khủng khiếp 1.000 năm trước. Tướng Phạm Bạch Hổ, người trung thành với nhà Đinh, đã đem 1.000 quân vào thung lũng này cầm cự với nhà Tiền Lê, khi Lê Hoàn tiếm ngôi nhà Đinh. Ông lấy thung Thắm làm căn cứ rèn quân, khôi phục binh mã, chờ thời cơ giành lại quyền bính cho nhà Đinh.

Lê Hoàn đã đem quân bao vây thung lũng này. Tại đây đã xảy ra hàng loạt cuộc xung đột đẫm máu. Rừng sâu, lương mỏng, quân yếu nên tướng Phạm Bạch Hổ cùng 1.000 quân sĩ đã thiệt mạng. Nhiều quân tướng đã cùng uống thuốc độc tuẫn tiết thể hiện sự trung thành với nhà Đinh. Máu chảy ngập thung lũng, nên từ đó, vụng nước này được gọi là Vũng Thắm (vũng máu). Sau thì gọi là thung Thắm. Ngôi đền Hiềm được đổi tên thành đền Thắm. Trần Cảnh ngang qua, mới đổi tên thành đền Trần. Bia đá trong đền cũng ghi rằng, sau khi chôn cất 1.000 binh sĩ, nhân dân đã trồng trên mỗi nấm mồ một cây si. Bia đá chỉ ghi vậy, nhưng lạ lùng thay, những cây si do nhân dân trồng trên 1.000 nấm mồ đã mọc lan rộng, đan quyện, dính chặt vào nhau, thành một khối liền như mạng nhện. Cứ theo truyền thuyết, thì hệ thống gốc si này đã có tuổi một thiên niên kỷ.

Đã có 60 năm sống ở Tràng An, và mấy chục năm đơm cá, bắt lươn ở trong thung này, đặc biệt là loài cá rô Tổng Trường, cá tràu tiến vua, hai loài cá vốn dâng triều đình, ông Son đã đi khắp thung Thắm. Điều ông nhận ra, ấy là cả ngàn cây si gắn kết với nhau thành một thể thống nhất. Nhiều lần, ông đã bỏ công đi cả ngày mà không tìm được một gốc si tách biệt. Ông Son đặt câu hỏi: “Phải chăng những cây si này gắn chặt với nhau biểu thị cho sự đoàn kết, nhất trí của các tướng sĩ?”. Quá trình thu thập chuyện truyền miệng, tìm trong sách sử, rồi quá trình nạo vét, khai quật, ông Son đã phát hiện ra câu chuyện đau thương này. Ông đã nhiều lần mời nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng về đây “nói chuyện” với ba quân tướng sĩ chết thảm ở thung Thắm. Cả tướng Phạm Bạch Hổ cũng về “nói chuyện” với nhà ngoại cảm. Con cháu tướng Phạm Bạch Hổ đã từ Hưng Yên vào đây, nhưng qua nhà ngoại cảm Bích Hằng, ông tướng không muốn theo con cháu về quê, mà muốn ở lại với ba quân tướng sĩ.

Bài 3: Trinh nữ chết thảm, rắn có mào và hàng trăm bộ xương trong trận đồ khiến máy móc hiện đại trở nên vô dụng

Thần xà có mào

Ông Nguyễn Văn Son, chủ khu du lịch Tràng An Cổ và cũng là cha đẻ của khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) nổi tiếng Việt Nam bây giờ tin rằng, chính tiền nhân đã dẫn dắt ông gặp hết chuyện lạ này đến chuyện lạ khác, để rồi phát hiện ra trận đồ trấn yểm, mà theo ông, còn phức tạp, kinh hoàng hơn trận đồ trấn yểm sông Tô Lịch, từng gây ầm ĩ cả nước nhiều năm trời. Cơ duyên đầu tiên tác động vào tâm trí của ông, là việc gặp một người đàn bà bí ẩn vào năm 2002. Bà này tên là Nhàn, nhà ở cách Tràng An chỉ 5 km. Đợt đó, có mấy bà đi lễ đền Trần, gặp ông Son, bà bảo: “Ơ, đúng là anh rồi. Anh là con cháu tướng Nguyễn Bặc đấy. Các cụ chết ở đây thảm lắm. Các cụ bảo anh được chọn để khai sáng khu vực này. Đây là khu vực quan trọng của quốc gia, nên anh làm gì cũng phải đến nơi đến chốn vào nhé”. Nghe bà này nói thế, ông Son còn mắng: “Bà này lắm chuyện, định mượn thuyền thì cứ mượn, lại còn phải nói vớ vẩn”. Rồi bà cụ này mượn thuyền chèo dọc sông Sào Khê, đi tìm đền Trần.

Chuyện ấy rồi ông Son cũng quên. Đến năm 2004, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng vào Tràng An, tìm gặp ông Son, chứ không phải ông mời vào. Bích Hằng gặp ông bảo rằng, chị rất trăn trở với vùng đất này, bởi các oan hồn ở đây nhiều quá, nỗi oan chồng chồng chất chất. Ông Son bảo: “Tôi cảm thấy từ bé như có người đi theo mình. Tôi đi vào rừng mà cứ có cảm giác có người dẫn đường, hoặc có người đi sau. Leo núi, vào hang, ngủ rừng, nhưng lúc nào cũng có cảm giác ấm áp, chứ không lạnh lẽo. Lúc nào hết tiền thì y rằng tiền lại đến”. Phan Thị Bích Hằng gật đầu bảo: “Người đi theo anh là tổ tiên, đang giúp đỡ anh, chứ không có thần thánh nào cả. Rồi anh sẽ gặp được tổ tiên mình. Người sẽ hóa thân thành xà tinh. Nếu gặp được người, mọi việc của anh đều hanh thông”.

Năm 2005, một năm sau ngày Bích Hằng về Tràng An, thì ông Son đã gặp thần xà. Đợt đó, ông Son trực tiếp đi thám hiểm, ghi chép lại các hang động, viết dự án, để giới thiệu sản phẩm du lịch. Hồi trẻ, ông thường vào hang Bói săn sơn dương. Hang đó có nhiều vỏ ốc, nghĩ có người xưa ở, nên đưa vào làm điểm tham quan sẽ thú vị. Ông Son cùng một nhóm đi vào hang Bói. Ở cửa hang có một tảng đá, khá giống cái ngai vàng. Ông Son dựng tóc gáy khi thấy trên tảng đá hình ngai ấy có 2 con rắn vắt vẻo. Một con màu đỏ, thân to, đầu có mào. Một con màu xanh, nhỏ hơn, nằm uốn khúc, gối đầu lên lưng con đỏ. Ông Son chợt nhớ lại lời các cụ kể, khi xưa khi các cụ ở Tràng An vào chỗ hang Bói khai thác gỗ sửa đền vua Đinh, đã từng gặp rắn có mào. Ông Từ Khấu, người phụ trách xẻ gỗ trong rừng, đã bắt gặp con rắn lạ này. Ông đặt chiếc mâm đồng, con rắn bò vào. Các cụ nghĩ thần về, nên đưa rắn mào vào hậu cung làm lễ cúng bái. Cúng xong, rắn biến mất, không ai nhìn thấy nữa. Các cụ ở Tràng An gọi là ông Lốt, có nghĩa là một vị quan đã đội lốt con rắn để giám sát công việc tâm linh.

Ông Son nghe chuyện rắn có mào nhiều, nhưng không tin. Khi đó, trước mắt mình là một con rắn có mào trên đầu thực sự, khiến ông dựng tóc gáy. Trấn tĩnh lại, ông Son chắp tay khấn: “Nếu ngài hiển ứng, thì để con quay lại hình ngài. Còn ngài không muốn, thì mời ngài trườn đi”. Khấn xong, chờ một lúc, không thấy con rắn bò đi, nên ông Son chạy về nhà lấy máy quay phim. Lúc ông gặp rắn là 10 giờ sáng, ông chạy về nhà làm lễ cúng bái, rồi quay lại lúc 4 giờ chiều. Điều kinh ngạc là cặp rắn vẫn nằm đó. Ông Son chắp tay xin được quay phim, rồi ông đứng từ xa zoom lại, quay rõ hình ảnh con rắn có mào, loài rắn tưởng như chỉ có trong huyền thoại. Quay xong, hai con rắn ngọ nguậy, rồi trườn lên núi và biến mất. Cặp rắn vừa trườn đi, ông Son lại nghe thấy tiếng rinh rích như gà con. Lần theo tiếng kêu lạ, ông Son phát hiện một con cua rất to, màu vàng, chưa từng thấy bao giờ. Ông nhấc cua lên ngắm nghía, nó vẫn phát ra tiếng kêu rinh rích. Nghĩ chuyện lạ, ông thả cua ra, rồi về. Về nhà, ông gọi nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng vào. Bích Hằng bảo, cụ tổ đã hiển linh thành thần xà và cho gặp, như vậy, có nghĩa ủng hộ ông làm khu Tràng An.

Bộ xương trinh nữ

Sau khi dự án được lập, ông Nguyễn Văn Son cùng người em trai là đại gia Nguyễn Xuân Trường vào cuộc nạo vét sông ngòi, hang động, thung lũng để xây dựng Tràng An. Trước ngày tiến hành nạo vét, nhà ngoại cảm Bích Hằng đã về và nhiều lần nói rằng, nhìn thấy một người con gái. Người con gái này vào cung hầu hạ cô ruột vua Lê năm 14 tuổi. Năm 18 tuổi, cô hầu phổng phao, quá xinh đẹp, nên được tiến cử là quý phi nương nương, tức thiếp của vua Lê Đại Hành. Một hôm, trinh nữ này được đưa đi tắm nước thơm, được mặc đồ trắng, ăn cao lương, uống nước sâm. Mọi người tưởng trinh nữ này sẽ được gặp vua, nhưng không ngờ bị đánh thuốc mê, bị đem tế sống. Làm lễ tế xong, trinh nữ bị chôn vào hầm và 100 ngày sau thì chết. Oan hồn trinh nữ trấn giữ khu vực đó, khiến long mạch được yên. Theo lời Bích Hằng, trinh nữ này bị tế sống để đền cho oan hồn của người con gái bị triều Đinh yểm coi kho của. Vua Lê lên ngôi, đã cho người đào bới, hốt xương cốt, lấy kho của. Vì xâm phạm vào thần giữ của, tức oan hồn trinh nữ, nên nhà Lê biến loạn. Các thầy pháp đã lập đàn tế, bắt trinh nữ này đền mạng, trấn vào khu vực Tràng An, nơi mà thời Đinh và Lê coi là huyệt mạch quốc gia.

Lời nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng nói nửa thực nửa hư, toàn những chuyện ngàn năm trước, nên ông Nguyễn Văn Son nghe rồi để đấy. Thế nhưng, sự kiện kinh hãi đã xảy ra. Khi nạo vét lớp bùn ứ đọng trong một hang động ngay cạnh huyệt mạch sông Sào Khê, đã làm phát lộ một bộ xương còn khá nguyên vẹn. Bên thi hài có 3 sâu tiền cổ niên đại thế kỷ thứ 7 đến thứ 10, là tiền Tùy – Đường. Đầu bộ xương gối lên các tấm gỗ tiện tròn rất cầu kỳ. Các nhà khảo cổ đã về xem xét. Bộ răng còn nguyên vẹn, chưa mòn chứng tỏ đây là người trẻ. Các nhà khảo cổ đều khẳng định đây là người con gái, dáng cao, mảnh, rất đẹp, tuổi chỉ độ 17-18. Ông Son đã làm lễ chu đáo, an táng người thiếu nữ này ra nghĩa địa làng.

Gặp xương người là hỏng máy

Nạo vét xong hang động, thì việc nạo hút sông Sào Khê bắt đầu tiến hành. Dự án nhà nước về nạo vét sông đã có, nhưng chả biết bao giờ mới được giải ngân, nên đại gia Xuân Trường bỏ tiền làm trước. Có tới 150 chiếc máy hút bùn được huy động, rải dọc sông Sào Khê đoạn chảy qua Tràng An. Những chiếc máy này đều được mua mới tinh, do một doanh nghiệp cung cấp, bảo hành. Điều lạ lùng là, hàng loạt máy không nổ, hoặc đang hút bùn trơn tru bỗng nhiên tắt ngúm. Ông Son liên tục gọi doanh nghiệp cung ứng máy móc này xuống sửa chữa, mà chẳng ăn thua gì. Nhưng điều kỳ lạ, khi họ chở máy về nhà, máy lại hoạt động trơn tru, không có dấu hiệu hỏng hóc nào cả. Một lần, chiếc máy đang nổ bỗng tắt ngúm, ông sai công nhân nhảy xuống sông mò mẫm xem có vật gì lọt vào ống hút. Công nhân này xuống mò, nhấc lên chiếc đầu lâu. Anh này mò tiếp, thì vớt được nguyên bộ xương người. Từ bấy, ông Son rút kinh nghiệm, hễ máy đang nổ trơn tru, mà hỏng hóc bí hiểm, thì sai người xuống mò mẫm dưới lớp bùn, thể nào cũng kiếm được xương người. Theo ông Son, dưới dòng Sào Khê, chỗ nào có xương người, y rằng đã bị trấn yểm. Những vị trí đó rất linh thiêng, nên diễn ra hiện tượng kỳ quái, thậm chí hỏng cả máy móc.

Điều kinh dị nhất xảy đến với chiếc tàu hút bùn, mà doanh nghiệp Xuân Trường nhập từ Phần Lan. Ông Trường nhập liền lúc 2 cái. Một cái làm ở Bái Đính, một cái làm ở Tràng An. Đây là con tàu rất đắt tiền, cực kỳ hiện đại, hoạt động bằng điện tử. Con tàu cuốc tơi bùn đất, dị vật, rồi hút bùn thổi đi nơi khác. Thế nhưng, tàu đang chạy lừ lừ dưới lòng Sào Khê, còn cách hang Luồn mấy trăm mét, thì tự dưng chết đứng. Ông Son đã chỉ đạo đám thợ kiểm tra lớp bùn đất phía đầu con tàu hút bùn này, nhưng không thấy có nghi vấn gì. Thợ chuyên nghiệp dưới cảng Hải Phòng được điều lên, nhưng sửa mấy tháng máy vẫn không nổ. Chiếc tàu rất lớn, lại nằm ở dưới sông, nên đem lên không phải chuyện đơn giản. Sửa chữa mãi không được, ông Son đưa ra phương án tháo máy ở con tàu nạo vét sông Sào Khê, đổi máy con tàu ở Bái Đính. Điều kỳ cục đã xảy ra, đó là khi chuyển máy trên con tàu ở Tràng An lên Bái Đính, thì máy lại nổ ngon lành, còn lắp máy ở tàu nạo vét trên Bái Đính, thì máy lại hỏng. Sau mấy tháng hì hục sửa chữa, thợ lành nghề dưới Hải Phòng chào thua, bỏ về. Doanh nghiệp Xuân Trường đã liên lạc sang Phần Lan. Một kỹ sư chế tạo rất giỏi được điều sang Việt Nam làm nhiệm vụ sửa chữa con tàu này. Ông Son nhớ lại: “Tay kỹ sư người Phần Lan này sang, nhìn con tàu nhem nhuốc, hắn quát tháo ầm ĩ. Hắn bảo, con tàu cả triệu đô, mà bôi bẩn bùn đất thế này thì không chấp nhận được. Hắn bắt lau bóng loáng cả sàn tàu. Lau rửa sạch sẽ con tàu, hắn bắt đầu chỉ trỏ, sai khiến thợ tháo chỗ nọ, lắp chỗ kia. Tuy nhiên, thợ sửa tàu làm việc hì hục cả tuần, máy vẫn không nổ, các thiết bị điện tử không hoạt động, con tàu triệu đô như một đống sắt vụn. Cuối cùng, tay kỹ sư này phải cởi bỏ comple, tự tháo lắp, sửa chữa. Tuy nhiên, lại mất một tuần nữa con tàu không chịu nổ. Tay kỹ sư này đã sai nhóm thợ chuyển máy ở con tàu làm việc trên chùa Bái Đính về. Máy đưa ở Bái Đính về vẫn không hoạt động, còn máy hỏng ở Tràng An chuyển đi lại hoạt động ngon lành. Kiểm tra hệ thống điện tử trên tàu thì không phát hiện lỗi. Kỹ sư người Phần Lan lắc đầu không hiểu nổi, định bỏ về nước, thì tôi vào cuộc”.

Hôm đó là tháng 7, trời mưa sụt sùi, ông Son sai người làm mấy mâm lễ lớn, vừa cúng bái vừa khao chúng sinh ngay trên sàn con tàu hút bùn. Kỹ sư người Phần Lan nhìn cảnh ấy rất coi thường. Anh ta chỉ tin vào kỹ thuật, chứ không tin vào những chuyện siêu nhiên. Thế nhưng, điều lạ lùng đã xảy ra, ông Son vừa cúng xong, đã nghe thấy máy nổ, tàu rung bần bật. Chứng kiến cảnh ấy, kỹ sư người Phần Lan trố mắt kinh ngạc, không hiểu vì sao. Mấy công nhân thì cứ vái sống ông Son, nghĩ ông là thần thánh nhập vào.

Tuy nhiên, con tàu hút bùn làm việc nửa buổi, tiến được độ chục mét dưới lòng sông lại tắt ngúm. Sửa chữa không được, ông Son lại được triệu đến. Ông Son khẳng định rằng, dưới lòng sông chắc chắn có điều đặc biệt. Việc con tàu hiện đại hỏng máy có thể là lời cảnh báo nào đó. Ông Son yêu cầu phải dừng lại mọi công việc, tiến hành đắp bờ, tát nước, móc từng nắm bùn đoạn sông Sào Khê để tìm kiếm thông tin. Hàng ngàn cây tre, thanh gỗ được đóng xuống lòng sông, bao cát quăng xuống đắp bờ tát nước. Sau một tuần vừa nạo vét thủ công, vừa bới bùn tìm di vật, thì chiếc đầu lâu xuất hiện, nằm ngay dưới mũi tàu hút bùn, ở độ sâu tới 3 mét tính từ đáy sông. Ông Son tin rằng, đây chính là nguyên do khiến con tàu hút bùn bị hỏng một cách bí ẩn. Ông đã dự đoán được sự việc, nhưng đám thợ đào không sâu, tìm kiếm không kỹ, nên không thấy xương cốt. Đúng như tiên đoán của ông, khi đưa hộp sọ lên bờ, làm lễ an táng chu đáo, thì con tàu hút bùn hiện đại lại hoạt động.

Hộp sọ của vị tướng?

Có lẽ, do nằm rất sâu dưới lòng đất, trong tình trạng yếm khí, vi khuẩn không hoạt động được, nên hộp sọ được bảo quản rất tốt, còn rất nguyên vẹn. Một số nhà khảo cổ, nhân chủng học tìm về và khẳng định hộp sọ to, đẹp, cân đối, thể hiện đây là một người thông minh, khỏe mạnh, thậm chí là một vị tướng. Điều lạ lùng là lại chỉ phát hiện hộp sọ dưới lòng sông, còn xương cốt bộ phận khác lại không có. Ông Son đã huy động mấy chục công nhân, mở rộng diện đào bới, tuy nhiên, tìm kiếm suốt một tuần không thấy thêm mẩu xương nào. Tin rằng, chiếc đầu lâu này của vị tướng, nên ông Son sai người an táng rất chu đáo. Khi đó, một đội chuyên phục vụ án táng, di chuyển hài cốt được thành lập. Theo lời ông Son, họ mua tiểu sành, vải liệm màu đỏ. Đích thân ông đã cúng cho oan hồn này. Cúng xong, đội an táng đưa ra nghĩa địa chôn ở vị trí đã chọn sẵn.

Sự việc tìm thấy chiếc đầu lâu một cách bí ẩn rồi cũng chìm vào quên lãng, bởi tiếp sau đó, mấy chục bộ hài cốt được phát hiện, vô số điều kỳ bí liên tục ập đến khiến ông Son tất tả ngược xuôi, bù cả đầu óc. Cho đến một ngày, cách đây 2 năm, có người gọi điện thoại, xưng là Nguyễn Văn Ngô, quê mãi Bình Định. Ông này bảo rằng, thầy bói nói với ông đã đã tìm thấy đầu cụ Nguyễn Bặc ở Tràng An. Ông này hỏi ông Son có tìm thấy đầu lâu tướng quân Nguyễn Bặc (Định quốc công Nguyễn Bặc, coi việc Nội Giáp, tức là việc nội chính của triều Đinh) không? Thời gian đó, đội nạo vét sông Sào Khê và khu vực Tràng An đào lên vô số hài cốt, nên ông Son lắc đầu kêu không biết, không có chuyện đó. Rồi sự việc lại rơi vào quên lãng. Cho đến một ngày, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng gọi điện cho ông Son bảo rằng, chị mới vào chùa Trấn Quốc và nhận được thông tin rằng, tướng quân Nguyễn Bặc đã bị nhà Lê chặt đầu, bêu đầu rồi vứt xuống sông. Phần thân con cháu đã đem về chôn cất, lập mộ. Riêng phần đầu thì thất lạc ngàn năm nay. Hiện đã có người tìm thấy phần sọ. Bích Hằng đề nghị ông Son tìm hiểu xem có ai ở Tràng An đào được đầu lâu không. Ông Son chột dạ, nhớ lại chiếc đầu lâu khiến tàu hút bùn chết máy một cách bí ẩn suốt mấy tháng. Tuy nhiên, quá trình hút bùn sông Sào Khê, cải tạo khu Tràng An, thu được rất nhiều xương cốt, nên không biết cái nào. Ông Son gặp đội quy tập dò hỏi và được ông Thám, là đội trưởng đội quy tập hài cốt khẳng định, cả trăm bộ xương được quy tập đều đầy đủ, duy chỉ có 1 chiếc đầu lâu.

Hôm đó, ông Thắm, ông Son, cùng con cháu dòng họ cụ Nguyễn Bặc có mặt ở nghĩa địa thôn Tràng An. Vì chôn nhiều mộ quá, nên ông Thắm không nhớ là ngôi nào. Ông Thắm đào 8 ngôi, đều gặp những mộ đầy đủ xương cốt, khiến mọi người sợ hãi, dựng cả tóc gáy. Ông Son bảo ông Thắm dừng lại, kẻo đào tung cả nghĩa địa cũng không được. Ông Son phát cỏ, chặt mấy cây tre ngả vào khu mộ, rồi thắp hương khấn vái. Thắp hương xong, như có linh tính, ông chỉ ngôi mộ thứ 3 ở hàng đầu tiên, sát bụi tre. Không ngờ, đào lên đúng luôn. Trong tiểu chỉ có một chiếc đầu lâu, bọc vải đỏ, còn rất nguyên vẹn. Tin rằng đây là đầu lâu của tướng Nguyễn Bặc, ông Son đưa cốt lên núi xây mộ, rồi dựng đền thờ.

Bài cuối: Cuộc khai quật cả trăm hài cốt và hành trình hóa giải trận đồ trấn yểm của một pháp sư bí ẩn Hà thành

Những hình khắc bí ẩn

Như đã nói ở kỳ trước, khi nạo vét sông Sào Khê và khu Tràng An (Ninh Bình), tổ nạo vét gặp vô số điều kỳ lạ, khiến ai nấy phải dựng tóc gáy. Tuy nhiên, chỉ đến khi dàn máy móc tiến vào sát cửa hang Luồn, thì sự thực về trận pháp trấn yểm mới lộ rõ. Ông Nguyễn Văn Son, chủ khu du lịch Tràng An Cổ, cha đẻ của khu du lịch Tràng An kể: “Cả đời gắn bó với vùng đất Tràng An này, gặp không thiếu chuyện gì, nhưng ngẫm lại, tôi tin rằng anh linh các cụ đã dẫn dắt tôi từng bước, để khám phá những bí ẩn trong lòng đất Tràng An. Việc phát hiện ra trận đồ trấn yểm này không phải ngẫu nhiên, mà tôi tin rằng do các cụ sắp đặt”. Theo lời ông Son, khi phát hiện ra trận pháp, ông có cảm giác rất lạ, ông thấy mình phải có trách nhiệm để trông coi, giữ gìn long mạch thiêng này. Ông để lại dự án Tràng An cho người em, là ông Nguyễn Xuân Trường xây dựng, quản lý, ông về Tràng An Cổ, huyệt mạch quốc gia để xây dựng lại cơ nghiệp, nhằm bảo vệ trần đồ trấn yểm kỳ bí này.

Ngày đó, dự án nạo vét sông Sào Khê, khu Tràng An đã được nhà nước phê duyệt, tuy nhiên, chờ nhà nước giải ngân, rồi thủ tục hành chính phức tạp, nên hai anh em ông Son đã bỏ tiền làm trước. Dàn máy móc hút bùn tới 150 chiếc hoạt động ngày đêm, rồi tàu hút bùn hiện đại bậc nhất thế giới được đưa về Tràng An. Tuy nhiên, vô số điều kỳ dị xảy ra. Những máy móc đưa vào cửa hang Luồn đều trở nên vô dụng, tắt ngúm. Để tôi hiểu rõ về trận đồ trấn yểm, đích thân ông Son đã lấy thuyền chở tôi dọc sông Sào Khê, tiến về phía cửa hang Luồn.

Theo ông Son, sông Sào Khê khi xưa to, nước sâu, chứ không nhỏ và cạn nước như bây giờ. Mùa lũ, nước từ sông Đáy thốc vào, nước dâng cao chảy cuồn cuộn. Chỉ có con đường duy nhất vào Tràng An là đường thủy, trên sông Sào Khê, xuyên qua hang Luồn. Nơi đây bốn bề núi cao hiểm trở, dễ phòng thủ, khó tấn công, nên vua Đinh, rồi nhà Tiền Lê đã chọn đây làm nơi dựng nghiệp. Cửa hang Luồn là một công trình kỳ vĩ của tự nhiên. Mái hang khá thấp, nhiều chỗ bơi thuyền chạm đầu, tuy nhiên bề rộng thì tới 60 mét, đủ chỗ cho thuyền bè tấp nập ngược xuôi, mà không sợ tắc đường. Chèo thuyền đến cửa hang Luồn, ông Nguyễn Văn Son dừng thuyền, chỉ cho tôi xem những hình khắc khá nhỏ trên vách đá mái hang giữa sông. Ông Son kể, ngày xưa, vách đá này có nhiều chim làm tổ, ông cùng đám trẻ trong làng thường bơi dưới sông, bốc bùn ném trúng tổ chim, để chim non rơi xuống đem về nuôi. Ông đã phát hiện những hình khắc kỳ lạ đó, tuy nhiên, ông không biết là thứ gì. Khi việc nạo hút đoạn hang Luồn gặp nhiều sự cố, ông Son mới để ý đến những hình khắc này. Ông tìm lại sách cổ, nghiên cứu các hình khắc, thì thấy rằng, những hình khắc như trên vách đá thường được sử dụng trong các lễ trấn yểm, hoặc cầu siêu, giải oan của người xưa. Trong quá trình nghiên cứu, ông Son đã vô tình có được trong tay cuốn sách cổ của ông Phạm Văn Nghị, là nhà nho yêu nước thời Tự Đức. Ông này đã mô tả rất kỹ con sông Sào Khê và cửa hang Luồn. Theo đó, con sông Sào Khê thực tế tên là Tào Khê (đặt tên theo con sông Tào Khê nổi tiếng linh thiêng của Trung Quốc). Khê có nghĩa là con ngòi luồn lách qua khe núi. Theo mô tả của cuốn sách cổ trên, thì Sào Khê chính là Tiểu Hoàng Long (rồng nhỏ), còn sông Hoàng Long là Đại Hoàng Long (rồng lớn). Sông Sào Khê dẫn nước từ sông Đáy, luồn lách qua các hang động, núi đá, rồi đổ ra sông Hoàng Long. Cũng theo cuốn sách trên, cửa hang Luồn chính là long mạch quan trọng nhất của Tiểu Hoàng Long. Chính vì thế, khi chúa Trịnh Sâm về đây, đã cho lập bia và đề thơ trên vách đá, ngay cửa hang Luồn.

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng về cửa hang Luồn, cũng khẳng định như vậy. Bích Hằng còn mô tả kỹ lưỡng trận pháp dưới lòng sông, mà theo ông Son, sau này đào lên, mọi thứ đều đúng như Bích Hằng mô tả. Bích Hằng còn tả lại cảnh tượng làm lễ trấn yểm kéo dài từ thời Đinh sang tận thời Lê. Theo đó, mỗi khi xuất quân, vua Đinh và vua Lê đều bái lễ ở cửa hang Luồn. Thắng trận cũng về đây làm lễ, rồi thả đèn, nến, vàng hoa trên sông Sào Khê, trôi qua hang Luồn sáng rực.

Một số nhà phong thủy cũng được ông Son mời về nghiên cứu những hình khắc. Mấy nhà khoa học cũng đã lấy những bản dập hình khắc mang đi nghiên cứu và có giải mã bước đầu. Những hình khắc bao gồm: Tháp kính thiên, cá phóng sinh, đài sen, ngọn lửa, đạo linh phù. Những hình khắc này tập trung ở mái đá ngay cửa hang Luồn, không phát hiện ở nơi nào khác. Dựa vào độ mòn, các nhà khoa học cũng khẳng định các hình khắc có tuổi đời rất lâu. Theo đó, hình khắc Tháp kính thiên khá cầu kỳ. Dưới đế hình tháp là ngọn lửa thả trên mặt nước. Tổ hợp hình ảnh này biểu thị cho lễ cầu siêu cho tướng sĩ vì nước quên thân. Hình con cá thể hiện sự phóng sinh trong nghi lễ cầu siêu. Hình bùa linh phù có lẽ bí ẩn nhất. Phía dưới hình là miếng gỗ (mộc), trên là hình người quỳ nâng lư hương, tiếp theo là hình mặt trời, và trên cùng là hình ngũ cốc. Đây là một lá bùa cổ, được người xưa dùng để trấn yểm, giữa yên âm trạch.

Những cuộc tế sống kinh hoàng

Sau một năm trời âm thầm nghiên cứu, bằng cả tâm linh ngoại cảm, lẫn khoa học, ông Nguyễn Văn Son có đủ cơ sở tin rằng dưới đáy sông đoạn hang Luồn chính là huyệt mạch quốc gia, là nơi có trận pháp trấn yểm. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng bảo rằng, vì là nơi tế sống nhiều người, nên oan hồn vất vưởng ở đây rất nhiều. Các oan hồn thường xuyên tìm cách bắt người. Chẳng thế mà suốt bao năm nay, có vô số vụ đắm thuyền chết tập thể thảm khốc. Vì thế, Bích Hằng khuyên ông Son phải hết sức cẩn thận. Sau khi làm lễ chu đáo, mời thầy bà cúng tế đầu cuối, chọn ngày đẹp, ông Son huy động nhân công đắp sông, tát nước. Ông Son nhớ lại: “Chuyện xảy ra vào năm 2010. Khi công nhân vét lớp bùn bề mặt, xuống độ sâu chỉ chừng 1 mét, thì trận đồ trấn yểm đã hiện ra rõ mồn một. Tôi cũng như tất cả những người tham gia đào bới đều sợ toát mồ hôi. Trận pháp trấn yểm sông Tô Lịch chỉ có vài mẩu xương, mà bao nhiêu mạng người bị cướp đi, khiến cả nước chấn động, đằng này, chỉ vét lớp bùn loãng bên trên, đã hiện ra vô số xương cốt. Điều kỳ lạ là các bộ xương đều con rất nguyên vẹn, đầy đủ. Hầu hết các bộ xương đều nằm theo tư thế có quắp, thể hiện cái chết sợ hãi, đau đớn, đầy oan khuất. Nhìn tư thế của những bộ xương, rõ ràng họ không phải là người chết bị chôn, mà bị chôn sống”.

Năm đó, tại cửa hang Luồn, người dân Tràng An được chứng kiến một chuyện quá kinh hãi. Mấy chục chiếc tiểu sành được đưa vào vách núi. Lễ lạt linh đình, hương khói nghi ngút, đội quy tập hài cốt do ông Son chỉ đạo làm việc miệt mài. Vì việc đại sự quan trọng, nên bản thân ông Son cũng vào cuộc rốt ráo, tự cúng tế, rồi tham gia bốc xương cốt. Ông Son chỉ cho phép đào sâu thêm 1 mét nữa xuống lòng đất, và đào rộng ra chừng 30 mét vuông. Chỉ khai quật từng đó, đã thu lượm được 40 bộ hài cốt nguyên vẹn, đầy đủ các bộ phận. Số lượng xương cốt nằm lẫn lộn với nhau, thu được một đống lớn. Với những đống xương lẫn lộn này, đội quy tập không phân biệt, sắp xếp đúng được, nên cứ xếp bừa vào các tiểu sành. 6 chiếc tiểu sành loại to xếp chật xương cốt, đem chôn thành mộ tập thể.

Ông Son chèo thuyền qua cửa hang Luồn, đi sâu vào phía trong núi một đoạn, dẫn tôi đến nghĩa địa của thôn Tràng An. Ông đã xây dựng một khu mộ lớn, cạnh nghĩa địa làng, sát vách núi và táng cả trăm bộ xương đào được từ cửa hang Luồn vào đấy. Ngoài 40 ngôi mộ riêng rẽ, có 6 ngôi mộ tập thể. Mỗi chiếc tiểu sành cỡ lớn phải chứa đến chục bộ xương. Như vậy, theo ông Son, riêng việc khai quật một điểm nhỏ ở trận pháp trấn yểm cửa hang Luồn, đã thu được cả trăm bộ hài cốt. Đấy là chỉ mới khai quật một địa điểm nhỏ, chứ nếu mở rộng diện khai quật và tiếp tục đào sâu xuống lòng đất, có lẽ đào thêm được cả trăm, thậm chí cả ngàn bộ xương bí ẩn.

Theo lời ông Son, hầu hết những bộ xương đào được ở cửa hang Luồn, là xương người trẻ, mà phần lớn là phụ nữ. Các bộ xương đều dài, to, chắc, chứng tỏ người Việt thời Đinh, Lê rất cao lớn, thậm chí cao to hơn người bây giờ, chứ không nhỏ bé như ta vẫn nghĩ. Điều kỳ lạ là ông Son tìm được một số hộp sọ trẻ con. Những bộ xương trẻ con có lẽ đã bị tiêu hủy, bởi thời gian quá lâu, nhưng hộp sọ thì vẫn còn. Liệu người xưa có tế sống trẻ em trong các nghi lễ trấn yểm, là câu hỏi ông Son vẫn đau đáu tìm hiểu, nhưng chưa có câu trả lời.

Ngoài việc thu thập được hàng trăm bộ hài cốt, ông Son đã thu thập được rất nhiều xương voi, ngựa, hổ, nhiều loại binh khí. Riêng tiền cổ ông Son thu được cả tạ. Tiền cổ đủ các thời kỳ, toàn tiền thời Bắc thuộc, đóng thành từng xâu lớn. Hiện, ông Son có lẽ được coi là nhà sưu tầm tiền cổ số 1 Việt Nam. Ông Son sở hữu những đồng tiền cổ hiếm đến nỗi bảo tàng quốc gia cũng không có. Hiện ông trưng bày một số đồng tiêu biểu cho các thời kỳ ở khu Tràng An, còn lại ông cất giữ, hoặc tiến cúng đi khắp nơi. Theo ông Son, sau này, nghiên cứu, ông mới biết, người xưa lập trận đồ trấn yểm bằng cách đánh thuốc mê người được chọn, trói vào cột gỗ, dán lá bùa, rồi đẩy xuống hố sâu đào sẵn. Riêng voi, ngựa, hổ thì bắn tên tẩm thuốc mê, rồi cũng đẩy xuống hố chôn sống. Trong trận đồ trấn yểm thường có các yếu tố như: Mộc (gỗ), nhân (người), mã (ngựa), tượng (voi), xà (rắn), ngũ sắc (5 thứ kim loại quý) và ngũ cốc (lúa, ngô, kê, sắn, đậu). Hầu hết những thứ này ông Son đều tìm thấy trong trận đồ dưới đáy sông Sào Khê, chỗ cửa hang Luồn.

Pháp sư kỳ lạ

Sau khi khai quật một phần trận đồ, thấy nhiều di vật, xương cốt quá, ông Son dừng lại, không nạo vét nữa. Ông chuyên tâm lập đền, lập mộ, thờ cúng cho các oan hồn. Hai năm sau, một pháp sư kỳ lạ xuất hiện, khiến ông Nguyễn Văn Son càng tin vào công việc trông giữ long mạch quan trọng ở Tràng An.

Đó là vào một buổi sáng tháng 2 âm lịch, năm 2012, ông Son đang ở khu Tràng An Cổ, thì thấy một người có vẻ không giống khách du lịch, cứ ra lại vào ngắm nghía địa thế kỹ lưỡng. Thấy vậy, ông Son mời lên lầu uống nước. Ông Son bảo: “Đất Hoa Lư tôi không lạ, anh cần tìm hiểu gì cứ hỏi tôi”. Ông này không nói gì, đề nghị ông Son dẫn đi xem xét núi non, địa thế. Ông này trèo lên tận đỉnh núi, phóng ánh mắt nhìn tứ phía, rồi bảo với ông Son rằng, đây là Cái Hạ. Nghe từ đó, ông Son không hiểu. Người khách bí ẩn giải thích rằng, Cái tức là chính, Hạ là mặt đất. Ông khách bí ẩn chỉ cho ông Son từng đỉnh núi và phân tích. Cuối cùng, ông kết luận, 100 quả núi thiêng chầu vào đoạn sông Sào Khê chảy qua hang Luồn. Những điều vị khách lạ nói, khiến ông Son vã mồ hôi hột. Ông Son chưa kể bất cứ điều gì, song pháp sư nọ cứ nói vanh vách. Vị khách này lại yên cầu sông Son lấy thuyền chở dọc sông Sào Khê. Vừa đi, ông vừa gọi điện tham khảo thêm một nhà tâm linh và nhà tâm linh đó khẳng định vị trí ông đang ở chính là âm huyệt quốc gia. Ông này dùng con lắc ở cửa hang Luồn, con lắc quay tít. Lên bờ, ông khách này giới thiệu tên là Hiếu, tu phái Mật Tông. Pháp sư bí ẩn này bảo rằng, dương mạch quốc gia ở Thăng Long, nhưng âm mạch ở đâu thì không ai biết. Các pháp sư Việt Nam đã đi tìm bao năm nhưng không thấy. Pháp sư Hiếu bảo với ông Son: “Tôi đã được báo mộng từ 3 năm trước, phải đi tìm âm huyệt quốc gia. Tôi đi tìm suốt 3 năm, giờ mới thấy”. Nói xong, pháp sư này chào ông Son, về Hà Nội. Hai tháng sau, pháp sư Hiếu cùng 50 đệ tử lại về gặp ông Son, bảo tìm vị trí lập đàn cầu siêu. Theo pháp sư Hiếu, địa bàn Tràng An là âm huyệt quốc gia, nơi xảy ra quá nhiều oan khuất, kéo dài từ thời Hồng Bàng, Âu Lạc, mà nặng nề nhất vào thời Đinh, Tiền Lê, nên cần phải làm lễ cầu siêu, giải oan cho các linh hồn bị nhốt ở đây. Pháp sư Hiếu không yêu cầu ông Son trợ giúp gì cả.

Hai ngày sau, tức ngày 22-4, tờ mờ sáng, một đoàn xe ô tô xuất hiện ở cổng Tràng An Cổ. Pháp sư Hiếu xuất hiện cùng mấy trăm phật tử. Hai xe tải chở đồ lễ gồm 500 mâm xôi, 500 mâm gạo, 500 đĩa xôi, 500 bánh trưng, 500 bánh dày mỗi cái to bằng cái mâm. 1.500 lít nước đóng thành từng can 20 lít lấy từ Thăng Long về. Pháp sư này bảo, vùng đất Hoa Lư nước rất độc, nên cứ đời vua nọ giết vua kia, nên phải mang nước từ Thăng Long về. Đàn tràng tứ phủ được lập trên bờ, dưới thuyền, các Phật tử ngồi lễ từ 7h30 sáng đến 11h30 trưa. Sau buổi trưa, tiếp tục làm lễ cầu siêu. Pháp sư Hiếu “mời” từ An Dương Vương, Lạc Long Quân, đến triều Đinh, Lê, cùng các tướng sĩ về. Đến 18h30, hoàng hôn buông xuống, đỉnh núi trên hang Luồn xuất hiện hào quang sáng rực. Các Phật tử tiếp tục tụng kinh Phật đến 11 giờ đêm thì dừng. Nửa đêm, ánh trăng liêu trai tràn ngập núi cao, thung sâu, trong hang Luồn, có tới 1000 vòng hoa gắn nến được thắp sáng lung linh, kỳ ảo. Xong công việc cầu siêu rất cầu kỳ, trời đã gần về sáng. Đoàn Phật tử chia tất cả thực phẩm mang theo làm 4 lễ. Một lễ hóa xuống sông Sào Khê, một lễ hóa trong hang Luồn. 1.000 vòng hoa gắn nến thả xuống hang Luồn sáng lung linh. Còn 2 phần nữa, họ rải ở đâu, ông Son cũng không biết. Đến đầu tháng 3 năm 2013, pháp sư Hiếu cùng các đệ tử lại về Tràng An Cổ, làm lễ giải oan trong hang Luồn. Lần này lễ đơn giản hơn, ít đệ tử hơn. Một phần lễ được hóa tại hang Luồn, còn lại rải ở cầu Đán, cầu Khuất, và vài địa điểm trên sông Đáy thuộc địa phận Hà Nam.

Diện kiến pháp sư hóa giải trận pháp Tràng An

Sau nhiều lần đặt lịch hẹn, rồi tôi cũng được pháp sư Hiếu hẹn đến nhà riêng tại ngõ Gốc Đề (Minh Khai, Hà Nội). Ngôi nhà lúp xúp, cũ nát lọt giữa mảnh đất rộng, cây cối xum xuê. Pháp sư Hiếu ngồi khoanh chân giữa nhà tụng kinh. Được sự giới thiệu của ông Son, nên pháp sư Hiếu đón tiếp chúng tôi nhiệt tình.

Pháp sư Hiếu tu theo phái Mật Tông và tại gia. Theo ông, một ngày, vào đầu năm 2012, đang nhập thiền, ông rơi vào trạng thái nửa ngủ, nửa thức, thì mơ thấy Dương Thái Hậu về gặp ông khóc thảm thiết. Nhiều ngày sau đó, ông lặp lại giấc mơ lạ đó. Rồi cả vua Đinh Tiên Hoàng cũng xuất hiện trong giấc mơ của ông. Trong giấc mơ, vua Đinh nói với ông về một âm huyện, mà ở đó, nỗi oan khiên chất chồng ngàn năm. Gặp những giấc mơ lạ, nên ông đã cùng một đệ tử lần tìm về kinh đô vua Đinh xưa, để cảm nhận thông tin. Sau khi đi khắp vùng Tràng An, không có cảm nhận gì, lúc trở về, rẽ vào khu Tràng An Cổ, ông đã giật mình phát hiện hang Luồn, nơi dòng Sào Khê chảy qua quả núi đá. Đứng cửa hang Luồn, thấy rõ như miệng con rồng, còn hang luồn như họng rồng. Nhìn ra xung quanh, thấy 5 ngọn núi bao quanh, như 5 hòn ngọc. Pháp sư Hiếu đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Son dẫn lên đỉnh núi. Đứng trên đỉnh núi, ông đếm đủ 100 ngọn núi, chồng chồng lớp lớp kéo dài từ Hà Nam đến tận Tam Điệp, Bỉm Sơn đều châu đầu về phía hang Luồn. Không cần đến pháp sư như ông, một người hiểu biết về phong thủy rất cơ bản cũng nhận thấy địa thế Tràng An Cổ, mà cụ thể là cửa hang Luồn chính là đại huyệt. Sau này, nghiên cứu lại các tài liệu cổ, ông Hiếu càng khẳng định rằng, thời vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, mỗi khi xuất quân, hay chiến thắng trở về, đều phải làm lễ ở đó. Tuy nhiên, đây chỉ là âm huyệt, nên chỉ có lợi khi đặt mồ mả. Các đời vua đóng đô ở đây đều phát rất mạnh, nhưng vận số ngắn. Người phát hiện ra điều này đầu tiên chính là vua Lý Thái Tổ. Vì thế, ông đã dời đô về Thăng Long. Thành Thăng Long mới là dương huyệt của nước Việt.

Theo pháp sư Hiếu, đại huyệt hang Luồn và dòng Sào Khê là một trận pháp trấn yểm khổng lồ. Nơi đây, oan hồn đời nọ nối tiếp đời kia, cứ chồng chồng, chất chất, đầy ai oán. Kiến giải theo tâm linh, thì oan oan tương báo, đời nọ hãm hại đời kia, anh em huynh đệ tương tàn, nên vùng đất này khó mà thịnh được. Chính vì thế, việc lập đàn giải oan, rồi cầu siêu cho các oan hồn là rất cần thiết, giúp vùng đất này cất cánh. Pháp sư Hiếu bảo rằng: “Tràng An là nơi hội tụ vận khí thiêng của nước Việt, nó thiêng liêng từ vô thủy kiếp. Vua Đinh cũng dựa vào đây để khai sinh nước Việt. Dòng Sào Khê là linh huyệt thiêng liêng. Oan khuất chồng chất ở đây, nên lập đàn tràng giải oan vài lần chưa phải đã xong. Việc chúng tôi làm mới chỉ là giai đoạn đầu, những năm sau vẫn phải làm tiếp”.

(Năm 2014)
Nguồn: fb/PHẠM DƯƠNG NGỌC
Ảnh: ông Sơn chèo thuyền ở trận đồ Tràng An